Gần cả tuần nay mạng xã hội dậy sóng với những phản đối của các bậc phụ huynh đối với MV ‘’There’s no one at all’’ của ca sĩ nổi tiếng ST. MTP. Bài hát đã gây phẫn nộ dư luận bởi hình ảnh mang tính tiêu cực, tuyệt vọng và mong muốn tự tử của một bạn trẻ vị thành niên trước những áp lực vô hình.
ST. từng phát biểu: ‘’Muốn ngồi ở một vị trí không ai ngồi được thì phải chịu những cảm giác mà không ai chịu được’’. Những cảm giác không ai chịu được bao gồm cả những lưỡi dao vô hình, cyber bully của anti-fan. Những người nổi tiếng, người của công chúng luôn phải đối mặt trước áp lực dư luận, những cảm giác không hề dễ chịu làm cho họ đã từng nghĩ đến ý định tiêu cực.
Dẫu biết rằng thông điệp của bài hát là phản ánh hiện thực của giới trẻ và khuyến cáo ranh giới sống chết nhưng cách thể hiện lại mang đến kết quả tồi tệ cho khán giả. Bất kỳ một hành vi, cư xử của một thần tượng nào cũng có ảnh hưởng to lớn đến đối tượng hâm mộ của họ, đặc biệt là ảnh hưởng sâu sắc đến giới trẻ, lứa tuổi đang định hình nhân cách và chưa rõ định hướng. Chắc chắn rằng ST. MTP sẽ xử lý khủng hoảng này một cách bài bản, ít tổn hại đến thương hiệu cá nhân nhất, nhờ đội ngũ quản lý hình ảnh và tiếp thị chuyên nghiệp.
Nhưng con bạn thì sẽ đối mặt ra sao trước khủng hoảng, trước sự bắt nạt (bully), khủng bố online (cyber bully) và những khẩu nghiệp xảy ra trong trường học? Lớp học, trường học là một cộng đồng thu nhỏ với những bạn bè cùng trang lứa và lứa tuổi cấp hai là lứa tuổi dễ gặp nhiều vấn đề về tâm sinh lý. Để mình kể bạn nghe hai câu chuyện đã xảy ra trong trường và cách mà phụ huynh xử lý.
Drama của Simon: Bully của nhóm bạn chat gây hậu quả nghiêm trọng
Bully có ý nghĩa là trêu chọc, bắt nạt, khủng bố một người nào đó.
Cyber bully là bắt nạt online, vấn nạn trẻ tuổi teen đang gặp phải khi tham gia mạng xã hội
Simon là bạn cùng trường khác lớp với Te, con trai mình. Simon học lớp 6A, còn Te học lớp 6C. Tuy khác lớp nhưng lại gần nhà nên hai bạn thường qua lại chơi với nhau, đặc biệt là chơi hợp gạ trong nhóm games. Từ nhóm games, các bạn lập những nhóm chat nhỏ (chat group) trên Discord và Snapchat để trò chuyện riêng. Simon thích một bạn gái trong nhóm chat Snapchat, tên Molly. Molly lại có một cô bạn rất thân tên Elisa, ở tận Tây Ban Nha. Những tin nhắn bỡn cợt vô tình của Simon với Molly đã khiến Elisa tức giận vì nghĩ Simon xúc phạm bạn của mình. Tranh luận nổ ra, lời qua tiếng lại đã kéo Te và một người bạn trai cùng lớp tên John vào nhóm chat. Những người trẻ không kiểm soát được cảm xúc của mình nên bắt đầu buông lời độc địa làm tổn thương người khác.
"Con người được sinh ra để vui. Nếu họ không vui được về cái đẹp của bản thân thì sẽ vui về cái xấu xí của người khác" - Franz Schonthan Von Pern Waldt.
Chuyện không dừng lại ở những chiếc màn hình điện thoại. Những lời nói tiêu cực, bình luận ác ý không kết thúc khi bạn tắt điện thoại, máy tính hoặc chặn tin nhắn đến. Nó khắc sâu trong tâm trí, lởn vởn trong trí nhớ của trẻ và không biến mất. Sự xúc phạm của nhóm bạn gây tác động mạnh đến tâm lý yếu đuối của Simon. Bạn ấy ở nhà, cắt đứt mọi liên lạc và không đến trường liên tục trong hai tuần. Hậu quả của trò đùa tưởng chừng vô hại là cả nhóm bạn chat phải cùng nói chuyện với Thầy Phó Hiệu trưởng tại trường.
‘’Chúng ta đến trường để được học tập, vui chơi và cảm thấy an toàn. Nếu các con không thấy an toàn ở đây, thì các con sẽ phải đi đâu?’’ Thầy Phó Hiệu trưởng đã mở đầu buổi nói chuyện với những đứa trẻ như thế. Theo lời kể của Te, Thầy là một người cực kỳ tâm lý và được gọi là ‘’Bạn của thành phần bất hảo’’. Những lời Thầy nói thấm vào tim của những đứa trẻ ngỗ nghịch, nhưng không phải làm tổn thương mà rất dịu dàng xoa dịu chúng. Thầy nói chậm và chắc, từng câu từng chữ. Những đứa trẻ ngơ ngác ngước mặt nhìn rồi cụp mắt cúi đầu nhận lỗi. Giờ thì chúng đã hiểu áp lực và cảm giác tiêu cực khi nhận được những lời nói ác ý từ người khác là như thế nào và quan trọng là không lặp lại hành động ấy một lần nào nữa.
Comments