Sự khác biệt thú vị trong hình thức Team Building tại Việt Nam và Thụy Điển.
Cách đây khá lâu, một bạn trên cộng đồng đã hỏi đại khái thế này:
"…nếu như nhân viên của các sếp đi Team building, mà chỉ là muốn được ăn - chơi - nghỉ ngơi đúng nghĩa, ngại khi có sếp hoặc ghét các hoạt động đội nhóm gắn kết tình cảm, thì các sếp sẽ có giải pháp như thế nào ạ?’’
Cũng như bạn độc giả, trước đây tôi cũng không thích hoặc miễn cưỡng tham gia Team Building mà công ty ở Việt Nam tổ chức vào kỳ nghỉ hè, nghỉ phép tập thể hàng năm. Trải qua các công việc ở vị trí quản lý, cấp trung và cấp cao của một số công ty trong nước, tập đoàn quốc tế và cả cơ quan nhà nước, và giờ đây khi làm việc ở tập đoàn Strawberry (tên gọi trước đây là Nordic Choice), tôi có một cái nhìn tổng thể và quan điểm khác biệt.
Đầu tiên câu hỏi của tôi đặt ra là: ‘’Các công ty ở Thụy Điển có tổ chức Team Building không?’’
Câu trả lời là Có.
Vậy ‘’Mục đích của Team Building là gì?’’
‘’Tạo sự kết nối, tình đồng nghiệp, xây dựng văn hóa công ty, tạo không gian cho nhân viên thể hiện cá tính, sở trường và vui vẻ.’’
Câu hỏi được đặt ra tiếp theo là:
‘’Điều gì khác biệt tạo nên sự miễn cưỡng hay không hưởng ứng phong trào Team Building của các công ty Việt Nam?’’
Đối với hai câu hỏi trên, câu trả lời là hoàn toàn giống nhau ở cả hai phía, các công ty Việt Nam và Thụy Điển. Nhưng ở câu thứ ba, điểm mấu chốt đã tạo sự khác biệt về trạng thái người tham gia Team Building đó là: ‘’Hình thức tổ chức’’.
Rõ ràng sự khác biệt về văn hóa đã hình thành cách ứng xử khác nhau trong hình thức tổ chức Team Building. Theo kinh nghiệm của tôi về văn hóa công sở Việt Nam, tôi hiểu câu hỏi của độc giả về hình thức tổ chức Team Building.
Vậy hình thức tổ chức đó là gì?
Đó là sự lồng ghép Team Building vào kỳ nghỉ phép hàng năm của các công ty ở Việt Nam.
Tại sao tôi nói là các công ty ở Việt Nam? Bởi vì những tập đoàn nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam mới tổ chức hình thức Team Building thế này, còn nước bản địa thì tôi lại không thấy.
Theo thống kê OECD, năm 2021, trung bình giờ làm việc của người Thụy Điển là 1444 giờ, so với OECD trung bình toàn cầu là 1716 giờ một năm. Người lao động được nghỉ phép 25 ngày, không kể ngày lễ, thứ 7 và chủ nhật. Nếu so sánh trung bình giờ làm việc ở các quốc gia khác như US (1791), Canada (1685), Úc (1694), Nhật Bản (1607), Hàn Quốc (1915) thì hầu hết các nước Bắc Âu có trung bình giờ làm việc dưới 1600h, Na Uy (1427), Phần Lan (1518), Đan Mạch (1363) . Và chỉ 1% người lao động Thụy Điển làm việc dài ngày, một trong những chỉ số thấp nhất trong OECD quốc gia (chỉ số trung bình trên thế giới là 13%). Tác động xấu của việc làm việc dài ngày là sức khỏe thể chất và tinh thần giảm sút.
Văn hóa công sở Thụy Điển khá thoải mái và cởi mở. Không gian làm việc thường không trang trọng với thiết kế đơn giản với nhiều cây xanh và không gian trống. Nhân viên ăn mặc giản dị, giờ làm việc linh hoạt, thảo luận tự do. Mọi người thường gọi sếp bằng tên thay vì chức vụ. Các cuộc họp nhóm, team-building thường được tổ chức đơn giản, thuận tiện, ngắn ngày và hiệu quả, có thể trong nhà hoặc ngoài trời, tại khách sạn, khu nghỉ dưỡng...
Và điều đáng lưu ý là với 25 ngày nghỉ phép năm, người lao động được quyền sử dụng toàn bộ thời gian đó cho các hoạt động cá nhân ví dụ du lịch nghỉ dưỡng một mình hoặc với gia đình.
Trong khi đó Team Building là hoạt động được tổ chức, thực hiện trong thời gian làm việc của nhân viên. Đây là hai hoạt động tách biệt, không lồng ghép, kết hợp hoặc gây nhầm lẫn.
Tổ chức Team building tại các trung tâm thiền, spa, resort hoặc trên các cruise du lịch từ Thụy Điển sang Phần Lan cũng là những lựa chọn phổ biến của nhiều công ty Thụy Điển. ‘’Sightseeing, eating, drinking and meeting’’ trong không khí ngoài trời giúp nhân viên thảo luận, đề xuất giải pháp tốt hơn, tạo mối quan hệ đồng nghiệp cởi mở và thân thiết hơn. Tuy nhiên các chương trình này được thực hiện trong thời gian ngắn, thường là trong ngày và ít di chuyển nhiều.
Ngoài hoạt động Team Building, văn hóa công sở Thụy Điển và các nước Bắc Âu tồn tại một loại hình hoạt động thú vị, đó là After Work, tôi sẽ đề cập ở một bài viết khác.
Trong khi đó, ở Việt Nam, với số lượng ngày nghỉ phép, trung bình 12 ngày làm việc, các công ty lại thường tổ chức chế độ nghỉ hè, nghỉ phép kết hợp Team Building cho nhân viên.
Không tính đến các nhân viên phải làm công tác tổ chức, hầu hết người lao động không được hưởng ngày nghỉ phép đích thực mà họ đáng được hưởng. Đó là nghỉ ngơi và thư giãn thay vì phải chạy theo với các chương trình, thi đua, di chuyển mệt nhoài tham quan từ địa điểm này đến địa điểm khác. Người lao động không có quyền được lựa chọn hình thức giải trí, nghỉ ngơi hay thư giãn theo nhu cầu thể chất, tâm sinh lý như họ muốn. Họ phải hoạt động theo tập thể, ăn uống và sinh hoạt theo tập thể.
Chính bản thân tôi cũng phải để ý đến tác phong, ăn mặc của mình trong dịp nghỉ hè Team Building khi còn ở Việt Nam chứ không như hiện giờ. Khi viết bài này, tôi đang trong kỳ nghỉ phép 2 tuần, tôi có thể mặc quần đùi, áo phông và chạy lông nhông ngoài bờ hồ, nằm dài tắm nắng, đọc sách, nghịch cát cùng con trai.
Kỳ nghỉ phép, nghỉ hè trong 2 tuần mùa hè của tôi là một thiên đường, là khoảng thời gian tôi có thể làm mọi điều tôi muốn, đi mọi nơi tôi muốn, với những người tôi muốn. Đó là sự tự do, tự chủ đúng mục đích nghỉ phép: nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng cho kỳ làm việc dài sau đó.
Nếu bạn thấy bài viết này giống quan điểm của bạn, là những gì bạn mong muốn, tôi khuyến khích bạn chia sẻ nội dung này để nhiều người cùng biết. Nếu bạn đã từng nghe về hiệu ứng cánh bướm, có lẽ một cú click chuột chia sẻ của bạn sẽ mang đến một sự thay đổi về hình thức tổ chức Team Building và nghỉ phép hay nghỉ hè trong tương lai tại Việt Nam. Ai biết đâu được! Điều này có lợi cho chúng ta mà.
Mời bạn đón đọc bài viết tiếp theo. Và đừng quên đăng ký thành viên, nhấn like hoặc comment để tích lũy điểm. Hiện nay mình đang xây dựng hệ thống quy đổi điểm thưởng, áp dụng cho các thành viên hoạt động tích cực. Vì vậy, rất hoan nghênh mọi đóng góp của bạn. Vì một cộng đồng Quý Cô Lagom lành mạnh.
NGUỒN THAM KHẢO
Số giờ trung bình hàng năm thực tế làm việc trên mỗi công nhân https://stats.oecd.org/index.aspx?DataSetCode=ANHRS
Kommentare