Bạn còn nhớ câu chuyện tháng trước về Milo, bạn cùng lớp của Te bị bất ổn tâm lý và muốn ‘’biến mất’’ khỏi cuộc đời này. Hiện nay tâm trạng của Milo đã tốt hẳn lên nhờ sự can thiệp của bạn bè và cha mẹ bạn ấy rất kịp thời.
Việc muốn biến mất khỏi cuộc đời của Milo bắt nguồn từ việc cậu bé bị bạn bè xa lánh. Milo cảm thấy cô đơn và cô độc, cả trong lớp học lẫn trong gia đình. Trong năm học vừa qua, đã nhiều lần Te kể cho mình nghe về việc Milo nói rất nhiều, cả trong lớp học và cả giờ ra chơi. Bạn giành phần nói của các bạn khác. Chủ đề chính thường chỉ xung quanh về bạn ấy, những vấn đề, những lo lắng, những khó chịu mà bạn ấy gặp phải. Những suy nghĩ lẩn quẩn.
Cho dù Milo có những lý do chính đáng để xả ra tâm lý tiêu cực của mình, trong trường hợp này là người anh bệnh tâm thần gây xáo động cuộc sống, thì bạn bè vẫn không muốn gần Milo và nghe bạn ấy nói mãi về một vấn đề. Thực sự là Milo cần sự giúp đỡ tinh thần từ người khác nhưng thật không may là bạn bè của cậu không đủ khả năng để giúp đỡ mà chỉ khiến họ cách biệt với cậu.
Các chuyên gia nói gì?
Kết quả nghiên cứu [1] với 1000 học sinh trung học trong 7 tháng nhận định rằng những học sinh hay suy nghĩ lẩn quẩn sẽ nói chuyện với bạn rất nhiều, đặc biệt là nói nhiều về vấn đề của bản thân mình. Điều này dẫn đến một loạt hệ quả xấu cho những bạn trẻ đó: bị xa lánh, bị bàn tán, bị nói xấu, bị cô lập và thậm chí bị hành hung.
Chia sẻ cảm xúc thiếu kiểm soát không phải là dạng duy nhất của suy nghĩ lẩn quẩn gây ra sự xa lánh xã hội. Suy nghĩ dai dẳng về xung đột cũng khiến con người ta hành động hung hăng hơn. Một thí nghiệm[2] với những người tình nguyện ngẫm nghĩ về bài luận văn của mình bị chỉ trích khắc nghiệt. Khi được trao cho cơ hội tạo ra tiếng động để gây khó chịu với người chỉ trích thì họ sẽ gây tiếng động lớn và nhiều hơn.
Nói cách khác, khi trẻ giữ trong lòng những trải nghiệm, cảm giác tiêu cực với người nào đó càng nhiều thì trẻ càng hung hăng hơn với người đó, thậm chí với những người khác không liên quan.
Thông điệp là gì?
Chắc bạn còn nhớ câu chuyện của Te, khi đối mặt với sự chỉ trích của bạn gái cũ. Nỗi ấm ức và suy nghĩ dai dẳng về mối tình đầu tan vỡ trong suốt hàng tuần liền đã khiến Te trở nên hung hăng, không những với cô bạn đó mà với cả cha mẹ của mình.
Mặc dù những nghiên cứu trên không tiến hành khảo sát tác động của suy nghĩ lẩn quẩn trên mạng xã hội nhưng chúng ta có thể nhận thấy kết quả tương tự. Facebook và mạng xã hội cung cấp cho chúng ta một nền tảng đột phá để chia sẻ tiếng nói nội tâm của mình và lắng nghe tiếng nói nội tâm của người khác. Quả đúng như vậy, chúng ta đã chẳng ngần ngại trả lời câu hỏi :’’Bạn đang nghĩ gì?’’ mỗi lần khởi động nền tảng Facebook.
[1] Theo tạp chí Clinical Child and Adolescent Psychology ‘’Interpersonal Stress Generation as Mechanism Linking Rumination to Internalizing Symptoms in Early Adolescents’’
[2] Thomas F.Denson và cộng sự ‘’Understanding Impulsive Aggression: Angry Rumination and Reduction Self-Control Capacity Are Mechanism Underlying the Provocation Aggression Relationships’’.
Hãy Đăng ký để trở thành thành viên của cộng đồng ''Mẹ tinh tế'' hoặc gửi bình luận phía bên dưới để giữ kết nối.
Test