Theo thuyết nhu cầu của Maslow, ăn ngủ nghỉ là nhu cầu cơ bản của mỗi con người. Vậy mà nhiều khi người ta quên mất nhu cầu cốt lõi của việc ăn chính là cung cấp nguồn dinh dưỡng, năng lượng để nuôi sống cơ thể. Đôi lúc người ta đã nâng cấp như cầu chính yếu trở thành cấp độ hưởng thụ để thỏa mãn cái xúc cảm của cơ thể mình.
Mục đích thấp nhất của ăn uống là để sinh tồn, mục đích cao nhất lại là khoái khẩu. Tuy nhiên, giữa việc chống đói và khoái khẩu, khoảng cách là rất xa. Bởi vậy, thế giới này có biết bao nhiêu tiêu chuẩn, ngành công nghiệp phục vụ cho mục đích khoái khẩu. Vị giác của chúng ta từ miệng đến yết hầu chỉ mười xentimet. Thức ăn trôi qua cổ họng thì sẽ chẳng còn cảm nhận gì nữa. Vậy mà rất ít người có thể phớt lờ cảm giác ở mười xentimet đó và đã tàn sát bao nhiêu sinh linh vô tội.
Khi bàn về chủ đề này không có nghĩa là tôi theo chủ trương ăn uống qua loa đạm bạc hay theo đuổi ẩm thực cao cấp, cầu kỳ. Hãy trả lại nhu cầu cơ bản của việc ăn. Đó là đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì nằm xuống nghỉ ngơi. Đừng vì chỉ vì thiếu một trái ớt hay một cọng ngò mà ta đánh mất hứng thú thưởng thức một bữa ăn ngon. Vị ngon đến từ sự tươi xanh, ngọt mát của lá rau tươi, cái bùi dịu nhẹ của hạt cơm trắng. Từ những nguyên liệu được chế biến giản đơn, không mất nhiều thời gian và công sức để chế biến một món ăn đầy đủ màu sắc và năng lượng tốt lành.
Tôi đã từng có thời gian làm việc như một phục vụ bàn tại một số nhà hàng trong thành phố, cả nhà hàng Châu Á, nhà hàng Thụy Điển và nhà hàng kiểu Mỹ. Đối tượng khách cũng được phân loại thành nhiều tầng lớp khác nhau. Một người bạn lớn tuổi thường ghé ăn tại nhà hàng bảo tôi rằng: ’’Nhà hàng là một xã hội thu nhỏ, nơi đó bạn có thể quan sát hết tất thảy mọi loại người.’’
Quả đúng như vậy, cơ hội làm việc tại nhà hàng giúp tôi rèn luyện khả năng quan sát và đọc vị người khác, đặc biệt là qua cách ăn uống. Ở nhà hàng buffet Châu Á, phần lớn khách hàng là những người không phải người bản địa. Họ là người gốc Ả Rập, Châu Á hoặc từ các nước Trung Âu đến. Quan sát bàn ăn của những người này, bạn sẽ thấy họ lấy rất nhiều thức ăn vào dĩa nhưng hầu như ít khi dùng hết. Sự thừa mứa vương vãi thức ăn đầy bàn cộng với sự ồn ào, lớn tiếng khi ăn uống khiến đôi lúc tôi kiệt sức để dọn dẹp. Nhưng chỉ cách một vài dãy bàn thôi, một vài người khách Thụy Điển ăn uống khoan thai, nói năng nhỏ nhẹ, phong thái đỉnh đạc. Khi dọn bàn của họ, tôi hầu như không phải trút bỏ một chút thức ăn thừa nào. Đĩa và dao nĩa luôn gọn gàng, sạch sẽ. Cách họ tri ân thức ăn khiến tôi phải cúi đầu cảm phục.
Bên cạnh đó, tôi cũng thấy có một vài người bỏ rất nhiều tiền để ăn một bữa tối thịnh soạn. Thế nhưng, đôi lúc chỉ vì một vài sơ suất nhỏ nhặt của nhà hàng hoặc đầu bếp mà họ lại đánh mất niềm vui thưởng thức bữa ăn đó. Họ như ném tiền qua cửa sổ. Một người đầu bếp tại nhà hàng tôi làm phải phục vụ hơn 100 khẩu phần ăn một ngày, tương đương 500 khẩu phần ăn mỗi tuần. Bởi vậy không thể tránh khỏi một vài lần sơ sót.
Dẫu biết rằng việc ta bỏ tiền ra để mưu cầu một dịch vụ tốt nhưng đôi lúc những sai sót nhỏ nhặt không đáng để ta đánh đổi tâm trạng của một bữa ăn.
Nhân vô thập toàn. Không ai là hoàn mỹ cả, đặc biệt là những món ăn. Món ăn trong tiềm thức hay tưởng tượng luôn ngon miệng hơn thực tế. Vì vậy để đạt được trạng thái cân bằng khi thưởng thức món ăn là nhẹ nhàng đặt cái tôi qua một bên và thưởng thức những gì mình có trên bàn. Đừng nhìn qua món ăn của người bên cạnh. Có như vậy thì ta mới có sự hạnh phúc trọn vẹn.
Comments