Một ngày cuối tuần tháng 3 đầy nắng và gió lộng tại thành phố biển Gothenburg, cả nhà ba người chúng ta cùng đi dạo và vô tình được ghé tham quan bảo tàng tàu chiến của Thụy Điển, hiện đang cập bến tại cảng Gothenburg.
Trái ngược với sự dự đoán của mẹ, những tưởng con trai sẽ càm ràm nhưng con lại tỏ vẻ hứng thú và tò mò trước những con tàu vũ trang đồ sộ. Con thật sự rất quan tâm, chui vào, trèo ra, leo lên boong tàu cao ngất ngưỡng vài chục mét rồi lại chui xuống hầm tàu ngầm sâu dưới mặt nước. Con luôn miệng hỏi làm Magnus rất hứng khởi và trả lời thật chi tiết.
Mẹ thật sự cảm phục và ngưỡng mộ trước trình độ đóng tàu cũng như nền công nghệ tiên tiến của ngành đóng tàu của Thụy Điển nói chung và tàu chiến nói riêng. Những chi tiết, thiết bị của con tàu tưởng chừng không thể chi tiết, hoàn hảo hơn nữa. Mẹ tưởng tượng hình ảnh những người kỹ sư, công nhân kỹ thuật đóng tàu say mê, đầy nhiệt huyết đã thiết kế, thực hiện con tàu này và thật sự ngã mũ trước họ. Đột nhiên mẹ lại chạnh lòng nghĩ đến ước mơ trở thành Games programmer của con. Nếu người trẻ chỉ muốn đổ xô vào kiếm tiền và giải trí, làm việc trong ngành tài chính và công nghệ thông tin thì ngành sản xuất sẽ đi về đâu.
Người trẻ bây giờ không còn chăm chỉ như hai mươi năm trước nữa, họ chỉ muốn kiếm tiền và giàu lên nhanh chóng. Mẹ nhìn thấy sự dịch chuyển định hướng công việc của người trẻ đã thay đổi rõ rệt. Số người định hướng làm việc như những kỹ sư, kỹ thuật viên giảm dần để nhường chỗ cho các công việc đang là trào lưu, thời thượng của xã hội. Ở Việt Nam hai mươi năm trước mình dễ dàng tìm thấy những tiệm sửa xe honda, xe đạp với những người thợ lành nghề nhưng giờ đây rất ít người trẻ chịu dấn thân vào làm những công việc kỹ thuật.
Mẹ thấy người trẻ nhan nhản như những thây ma zoombie biết đi, mặt cúi gầm vào màn hình điện thoại: trên đường, trên xe bus, trong quán xá, nhà hàng.
Họ đang xem gì vậy? Giải trí, trào lưu, dramma, chat group…?
Người trẻ xem càng nhiều thì người phục vụ cho nhu cầu giải trí lại càng tăng. Số lượng tiktoker, influencer, blogger, bitcoiner… nở rộ, mọc lên như nấm sau mưa. Người trẻ phục vụ nhu cầu giải trí cho người trẻ, kiếm tiền và xài tiền. Cái vòng tiền bạc lẩn quẩn loanh quanh cuốn người trẻ vào để tạo ra những giá trị ảo cho xã hội.
Việt Nam chúng ta vẫn chưa thực sự trở thành nước công nghiệp, chứ chưa nói đến ước vọng trở thành cường quốc công nghiệp như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Cả ba quốc gia này đều phát triển đất nước bằng cách phát triển ngành sản xuất. Tại sao mẹ lại so sánh với ba đất nước này mà không so sánh với Thụy Điển. Đơn giản bởi vì chúng ta là người Châu Á, là một trong những nước có nền ‘’Văn hóa bó đũa’’.
Chắc con còn nhớ câu chuyện bó đũa mà con đã được học trong sách Tiếng Việt lớp 2? Chưa có cơ sở khẳng định rằng những người biết sử dụng đũa là những người kỹ thuật giỏi nhưng thành tựu khoa học kỹ thuật của ba cường quốc trên cho thấy rằng họ là những người sản xuất giỏi. Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam là những dân tộc trên thế giới sử dụng đũa thay vì ăn bằng tay như các nước Châu Á khác. Vì vậy mẹ vẫn kỳ vọng Việt Nam mình trở thành cường quốc về sản xuất, cả về sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, là cái bếp của Thế giới trong tương lai. Một tương lai thật gần./.
Comments