''Chúng ta sẽ có buổi Mentor Meeting họp phụ huynh vào ngày thứ Năm, 17 tháng 8 tuần sau con nhé, lúc 9 giờ sáng.'' Tôi vừa đọc xong email và nhắc nhớ con trai thông tin cập nhật được gửi từ IES, trường trung học quốc tế mà Te, con trai tôi đang theo học.
Wednesday, 9/8/2023
Hello!
We look forward to meeting you and welcoming you to the new school year!
We are your child's mentor and we have a scheduled meeting/developmental interview next week. This is mandatory for the child and at least one of the guardians to attend.
Above this text you will see your time slot. You can also see some other available slots, in case you need to change the time. The time you have been given is the same as the time you were sent home in July.
Feel free to contact us with any questions!
Best regards,
''Con nhớ mà, mẹ khỏi nhắc!'' Cậu bé vẫn vừa click chuột kịch liệt vừa nhấm nhẳng trả lời mẹ.
Vậy là chỉ còn hơn 1 tuần nữa là con trai tôi chính thức bước vào lớp 8. Trong 3 năm học trung học cơ sở (högstadiet) thì lớp 8 là lớp cực kỳ quan trọng. Bởi vì, ngoài thời lượng tiết học, số lượng môn học gia tăng, độ khó của các bài tập cũng gia tăng đáng kể so với lớp 7. Lớp 8 là lớp kiến thức nền tảng để chuẩn bị cho trẻ vào lớp 9 với kỳ thi quốc gia cuối cấp.
Đó là thông tin mà tôi đã nhận được vào buổi họp phụ huynh kết thúc năm học lớp 7 của con trai, chỉ vài tháng trước. Nhận biết tầm quan trọng của kết quả học tập trong năm học này sẽ quyết định khả năng vào cấp học cao hơn (Gymnasiet), tôi bắt đầu suy nghĩ về kế hoạch đồng hành cùng con trai.
Việc chuyển từ kỳ nghỉ hè với những ngày ngủ nướng đến tận 8-9 giờ sáng sang việc chuẩn bị đến trường từ lúc 6 giờ có thể là một thách thức đối với các bạn trẻ thanh thiếu niên. Ở tuổi dậy thì, với nhu cầu phát triển thể chất và sinh lý tăng cao, việc ngủ dài và tối là rất quan trọng với chiều cao cũng như tâm sinh lý của trẻ. Vì vậy, tôi đã tìm mua màn trập ngăn sáng có hẹn giờ tự động để lắp đặt vào cửa sổ phòng ngủ của con trai. Chiếc màn cửa tự động đã trở thành chiếc đồng hồ hẹn giờ đi ngủ và báo thức cho cậu bé một cách cực kỳ hiệu quả. Tôi cực kỳ thích sự tự động hóa và quy trình bài bản, thế là tôi đã tìm hiểu và thiết lập kế hoạch ''Đếm ngược 11 ngày, mẹ giúp trẻ teen vui vẻ đến trường'' mà bạn sẽ xem chi tiết dưới đây.
# Ngày 11 - Thiết lập giao tiếp cởi mở
Tùy theo tính cách của con, bạn có thể lựa chọn không gian và thời gian thích hợp để bắt đầu một cuộc trò chuyện cởi mở về những suy nghĩ, cảm xúc về năm học mới. Điều đáng ghi nhớ là chúng ta nên gợi nhớ cho con trẻ về những kỷ niệm vui, những thành tích đáng khen ngợi trong năm học vừa qua nhằm khơi gợi niềm hứng thú đến trường của trẻ.
Nếu bạn đã đọc một số bài viết khác, chắc bạn cũng biết rằng mẹ con Ti & Te chúng tôi có thói quen cùng đi dạo bộ và trò chuyện. Ngoài nhu cầu nghỉ giải lao giữa giờ làm việc cho bản thân mình, tôi luôn muốn tận dụng thời gian để kết nối với con trai. Không gian thoáng đãng và thân mật sẽ giúp cuộc trò chuyện của hai mẹ con luôn vui vẻ, thú vị.
Ví dụ: bạn có thể đặt câu hỏi như sau:
"Ồ, tuần sau con đến trường rồi đó, con có hồi hộp không?"
''Con đoán con sẽ gặp bạn nào đầu tiên ở trường?''
''Các con sẽ kể nhau nghe chuyện gì trong kỳ nghỉ hè?''
''Con nghĩ con sẽ được xếp chỗ ngồi gần bạn nào trong lớp?''
...
# Ngày 10 - Đặt mục tiêu thực tế
Tiếp tục dành thời gian trò chuyện cùng con để đặt các mục tiêu học tập cũng như mục tiêu cá nhân cho năm học sắp tới. Đáng lưu ý là mục tiêu nên được chia nhỏ từng cấp độ và theo lộ trình từng học kỳ để cả bạn và trẻ đều dễ dàng theo dõi để điều chỉnh cùng phấn đấu. Đừng quên gợi ý các phần thưởng hoặc động viên cho từng thành tích của trẻ.
Đây là các câu hỏi đối với con trai mà tôi gợi ý đến bạn làm ví dụ:
''Năm trước con được 3 điểm A rồi đó. Năm nay, con nghĩ mình có thể đạt mấy điểm A? Ở các môn nào?''
''Con nghĩ con có thể thăng hạng ở giải cầu lông mùa thu này không?''
''Con có muốn thử đánh đôi thay vì đánh đơn như hiện giờ không?''
''Con đang xếp ở hạng mấy bộ môn cờ vua năm ngoái nhỉ? Mẹ quên mất.''
''Mẹ đang nghĩ về chuyến du lịch bằng xe hoặc tàu hỏa đến Ý hoặc Pháp trong mùa hè sắp tới. Con nghĩ sao?''
Bằng cách đặt ra các mục tiêu thực tế và có thể đạt được, bạn trao quyền cho con mình hướng tới thành công mà không phải đối mặt với các áp lực không cần thiết. Điều cần ghi nhớ là ''quan tâm thật lòng'' đối với trẻ, bằng những câu hỏi thực sự chi tiết, ghi nhớ thành tích và ước muốn của trẻ, thay vì những câu hỏi cứng nhắc, sách vở. Những câu hỏi nên xuất phát từ trái tim của người mẹ hướng đến trẻ, dành sự quan tâm để làm điều trẻ muốn.
# Ngày 9 - Chuẩn bị và Sắp Xếp Đồ Dùng Học Tập
Rủ rê, lôi kéo con đến cửa hàng để mua đồ dùng học tập. Mặc dù con trai tôi cũng như tất cả học sinh tại Thụy Điển đều được phát dụng cụ học tập miễn phí từ trường vào mỗi đầu năm học mới, nhưng tôi vẫn thường cùng con mua vài vật dụng cá nhân khác như balo, bình nước uống cá nhân, giày và quần áo mới. Điều này sẽ tạo hứng thú cho trẻ với cảm giác tươi mới và sẵn sàng. Sắp xếp các vật dụng này ở một khu vực dễ thấy trong phòng trẻ để tạo cảm giác sẵn sàng.
# Ngày 8 - Dọn phòng và Tạo không gian học tập
Cùng với con, bạn giúp trẻ dọn dẹp phòng ốc và xác định một không gian yên tĩnh, đủ ánh sáng để học tập. Đặc biệt, chỉ vài tháng nữa, Thụy Điển cũng như Bắc Âu sẽ bước vào mùa tối, vì vậy, việc trang bị ánh sáng đủ và đúng không những cải thiện tinh thần mà còn gia tăng năng suất học tập của trẻ. Trang bị cho khu vực học tập những vật dụng cần thiết, một chiếc ghế thoải mái, tạo khoảng cách xa chiếc giường, gần cửa sổ để có không gian mở và ánh sáng tốt.
Đối với trẻ tuổi teen, điều cần ghi nhớ là luôn tôn trọng và lắng nghe ý kiến của trẻ với tâm thế thoải mái để cùng điều chỉnh. Đừng áp đặt và tạo căng thẳng sẽ làm trẻ hoặc rơi vào cảm giác ức chế hoặc chống đối. Cả hai thái cực đều không mang kết quả tốt cho con bạn.
# Ngày 7 - Phát triển một thói quen
Dr. Laura Markham đã nhắc nhở rằng:
Two big steps make ''Back to School'' smoother: First of all, ROUTINE.
Bedtime routine
Breakfast routine
Homework routine
Housework routine
...
Hình thành một routine thói quen là điều quan trọng với trẻ. Thói quen đi ngủ đúng giờ, thói quen dậy sớm, thói quen làm bài tập, làm việc nhà... sẽ giúp trẻ hình thành kỹ năng quản lý cá nhân Manage yourself xuất sắc. Điều này không những giúp trẻ có động lực để thực hiện công việc cá nhân mà còn giúp mối quan hệ Mẹ-Con trở nên hài hòa, nhẹ nhàng, không gây căng thẳng. Bắt đầu từ ngày này, bạn có thể thiết lập thời gian ngủ và dậy sớm dần cho trẻ từng chút một để tránh thay đổi đột ngột.
# Ngày 6 - Nói với con về Hạnh phúc
Trò chuyện với con về tầm quan trọng của một sức khỏe thể chất tráng kiện và tinh thần minh mẫn để đạt các mục tiêu trong năm học. Lắng nghe những mong muốn về chế độ ăn, ngủ, chơi và nghỉ của con. Đồng thời chia sẻ lời khuyên về ăn uống lành mạnh, phân bổ thời gian làm bài tập, tập thể dục, chơi game và ngủ đủ giấc. Bạn có thể xem một số gợi ý dưới đây:
"Chúng ta sẽ đặt mục tiêu ngủ từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng Vì vậy, con có thể cam kết với mẹ không ngủ muộn hơn 10 giờ tối, trừ tối thứ 7?''
"Mẹ sẽ luôn chuẩn bị sẵn đồ ăn sáng mỗi ngày. Con sẽ tự hâm nóng, ăn thêm rau và uống sữa trước khi đi học, đồng ý không?"
''Con không được phép chơi game nếu chưa làm xong bài tập và việc nhà. Nếu vi phạm con sẽ bị phạt, đó là nguyên tắc, không tranh cãi nhé.''
Khuyến khích, đồng thời áp dụng các chế tài phù hợp để giúp trẻ hình thành những thói quen tốt nhằm góp phần nâng cao sức khỏe thể chất và khả năng phục hồi tâm lý của trẻ vị thành niên.
# Ngày 5 - Ôn tập các kỹ năng xã hội
Dành thời gian để thảo luận với con về giá trị của việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ tích cực cũng như tác động tiêu cực của các mối quan hệ không lành mạnh. Thường xuyên lắng nghe các vấn đề xảy ra trong nhóm bạn, trong lớp học hoặc cộng đồng mạng của con để can thiệp kịp thời. Chia sẻ những kinh nghiệm trong mối quan hệ xã hội của chính bạn nhằm đề xuất các chiến lược để giao tiếp hiệu quả và giải quyết xung đột. Bạn có thể nói tương tự như cách tôi trao đổi cùng Te:
"Mẹ hạnh phúc khi con có bạn, đặc biệt là bạn thân như Liam. Đúng là cạ cứng của con nhỉ!"
''Con sẽ tặng quà gì cho sinh nhật bạn? Bạn ấy thích gì con biết không?''
''Mẹ không nghĩ chat group là điều tốt. Con xem thử con mất bao nhiêu giờ trong ngày trên chat?''
"Đôi lúc, bày tỏ quan điểm bằng sự giận dữ tốt hơn là kìm nén. Tuy nhiên, nếu con thử tách mình ra để quan sát bản thân khi nổi giận, dưới con mắt người khác, hãy nói mẹ nghe con thấy gì."
Bằng cách quan sát cách trẻ chơi trong nhóm, đối xử với bạn bè, bạn sẽ hỗ trợ và đưa các chỉ dẫn kịp thời để giúp trẻ phát triển các kỹ năng xã hội nhằm điều hướng các khía cạnh xã hội tại trường học, ngay cả bạn không luôn luôn có mặt bên cạnh.
# Ngày 4 - Kỹ năng quản lý thời gian
Hầu như chúng ta, những người mẹ bận rộn luôn mong muốn con cái cũng bận rộn với lịch trình học tập dày đặc ở trường và các hoạt động cá nhân ngoại khóa của chúng. Điều này không những giúp trẻ phát triển kỹ năng, thu thập kiến thức mà còn tránh xa những thói hư tật xấu cũng như những đứa bạn lêu lổng.
Tuy nhiên, áp lực học tập và hoạt động cá nhân có thể mang đến cho trẻ nhiều căng thẳng. Vì vậy, hướng dẫn con bạn tạo lịch trình hàng tuần nhằm cân bằng thời gian học tập với các hoạt động giải trí là điều thiết yếu. Thảo luận về tầm quan trọng của việc sắp xếp thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ và tránh sự trì hoãn. Chia sẻ các kỹ thuật quản lý thời gian của riêng bạn và làm việc cùng nhau để tạo một lịch trình trực quan.
# Ngày 3 - Giải Quyết Lo Âu
''Con chẳng biết phải làm gì cả! Chẳng có việc gì để làm!''
Có một vài lần con trai tôi rơi vào tình huống ''vô công rỗi nghề'' hoặc cảm thấy chán nản, chẳng muốn làm gì. Dễ dàng nhận biết khi cậu bé rơi vào tình trạng lo âu khi đối mặt với nhiều vấn đề cùng lúc.
Nếu con bạn tỏ ra lo lắng về năm học sắp tới, hãy trò chuyện chân thành với con. Có thể đó là sự căng thẳng khi nhìn thấy những mục tiêu mới, là sự bối rối với các cảm xúc mới nảy sinh hoặc những vấn đề tâm lý của trẻ vị thành niên. Chia sẻ kinh nghiệm của bạn với việc quản lý căng thẳng và lo lắng. Cùng con thực hiện các kỹ thuật thư giãn đơn giản như hít thở sâu hoặc đi bộ chầm chậm giữa thiên nhiên.
# Ngày 2 - Tư Duy Tích Cực
Hầu hết các đứa trẻ đều sở hữu tư duy tích cực. Trạng thái tích cực còn được ảnh hưởng bởi tư duy và lối sống của người thân trong gia đình, đặc biệt từ người mẹ. Vì vậy, để khuyến khích trẻ tư duy tích cực, trước hết, bạn sẽ là tấm gương sáng về sự lạc quan. Nhắc nhở bản thân cũng như con cái của mình về những lần vượt qua thử thách thành công và cảm giác hạnh phúc khi đạt được điều đó. Khuyến khích trẻ nhận thấy tiềm năng phát triển và học hỏi trong mọi tình huống.
# Ngày 1 - Hoàn thiện công tác chuẩn bị
Vào buổi tối trước khi bắt đầu đi học, đảm bảo rằng tất cả các công việc chuẩn bị đã sẵn sàng. Sắp xếp quần áo, giày dép, balo và chuẩn bị sẵn sàng tất cả các tài liệu cần thiết. Hãy dành thời gian trò chuyện thân mật với con để giảm bớt bất kỳ sự bồn chồn nào vào phút cuối trước khi đi ngủ. Có thể trẻ sẽ khó ngủ hoặc mệt mỏi vào sáng hôm sau. Cứ bình tĩnh, hãy cho trẻ thêm thời gian thích nghi và củng cố niềm tin của bạn đối với trẻ.
Bằng cách theo dõi quá trình đếm ngược 11 ngày toàn diện này, bạn không chỉ giúp con mình chuẩn bị cho năm học mà còn thúc đẩy mối quan hệ bền chặt của hai mẹ con và cảm giác an toàn đối với trẻ. Sự hướng dẫn và hỗ trợ của bạn chắc chắn sẽ tạo ra tác động tích cực khi con bạn bắt đầu một hành trình học tập trong năm học mới.
Mời bạn đón đọc bài viết tiếp theo. Và đừng quên đăng ký thành viên, nhấn like hoặc comment để tích lũy điểm. Hiện nay mình đang xây dựng hệ thống quy đổi điểm thưởng, áp dụng cho các thành viên hoạt động tích cực. Vì vậy, rất hoan nghênh mọi đóng góp của bạn. Vì một cộng đồng những người Mẹ Chánh niệm.
Tham khảo
Lớp 1-3 được gọi là tiểu học (lågstadiet), 4-6 là trung học cơ sở (mellanstadiet) và 7-9 là trung học phổ thông (högstadiet). Các lớp học trong 10 năm này là chương trình giáo dục phổ cập bắt buộc áp dụng cho tất cả trẻ em sống trong nước (kể cả trẻ em nhập cư, chưa được định cư vĩnh viễn). Trong bài viết này, để phù hợp với hệ thống giáo dục Việt Nam, tôi vẫn sử dụng trung học cơ sở cho cấp högstadiet.
Màn cửa tự động thế nào ah?